Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Chạm tới hoàng hôn

Chạm tới hoàng hôn mang thông điệp: “Ngành may mặc Việt Nam vững tin chiến thắng” và hưởng ứng, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ phim nói về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 -2009 đã ảnh hưởng như thế nào tới ngành may mặc Việt Nam, nhất là dệt may gia công xuất khẩu. Đồng thời với chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã tác động lớn mạnh và hiệu quả như thế nào tới sự tiêu dùng của thị trường nội địa.
Qua đó bộ phim nêu lên một cách xác thực những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam thường vấp phải trong việc kinh doanh tại thị trường trong và ngoài nước. Có những vấn đề dường như bế tắc trong kinh doanh nhưng lại tìm thấy lối thoát ở một điều gì đó thật đơn giản, tạo nên những sự bất ngờ, đẩy mạnh kịch tính và cao trào. Tất cả những vấn đề nan giải đó đều được tái hiện rõ nét trong bộ phim thông qua một doanh nghiệp chuyển mình từ việc gia công may mặc hàng xuất khẩu sang sản xuất trực tiếp tại thị trường trong nước kết hợp cùng chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt”.
Bên cạnh những cạnh tranh khốc liệt của thương trường thì con người vẫn khát khao về một hạnh phúc cho riêng mình, và chính những tình cảm trong sáng, ngọt ngào đó đã góp phần làm dịu mát tâm hồn của các nhân vật trong phim nói riêng và cho cả bộ phim nói chung.
Chạm Tới Hoàng Hôn
Chạm Tới Hoàng Hôn
Chạm Tới Hoàng Hôn
Trúc Diễm, một nữ doanh nhân khá thành đạt trong ngành may mặc, là chủ một doanh nghiệp may cỡ vừa, chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu sang Châu Âu. Trúc Diễm từng thất bại không dưới một lần trong tình trường, do phát hiện (hoặc chỉ là “cảm thấy”) những người ấy yêu tài sản của cô hơn là yêu chính bản thân cô. Trúc Diễm có người bạn chí cốt Tuấn Mạnh, vốn là hàng xóm cũ và vẫn coi cô như em gái. Tuấn Mạnh cùng Trúc Diễm trải qua nhiều thăng trầm gây dựng nên một doanh nghiệp may khá vững vàng. Trợ giúp Diễm hiệu quả nhất có Hoàng Vỹ, một nhà thiết kế thời trang có tiếng của thành phố. Anh học chung trường với Diễm, nhưng trên cô hai khóa. Hoàng Vỹ từng thầm yêu Trúc Diễm ngay khi cô mới vào trường. Nhưng vì cô là con nhà giàu nên anh ngại đến gần. Sau đó ra trường, cũng không tìm cách tiếp cận cô nữa dù họ cùng hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Một trong những lý do khiến Hoàng Vỹ luôn quan sát Diễm từ xa là tiếng đồn về sự lạnh lùng cứng rắn của bà chủ doanh nghiệp may thông minh xinh đẹp.
Câu chuyện bắt đầu khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đẩy các doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng – đến những khó khăn chưa từng thấy. Công ty xuất khẩu may mặc Việt An của Trúc Diễm cũng không ngoại lệ. Các hợp đồng bị cắt giảm, chậm thanh toán. Hàng hóa ứ đọng trong kho… khiến Trúc Diễm phải vật vã tìm đường cứu lấy doanh nghiệp – cũng là sự nghiệp của mình. Lần lượt những sóng gió xảy đến do sự bất tín từ trong nội bộ, do quan điểm hướng ngoại của Trúc Diễm cũng như cách ứng xử khô khan đầy lý trí của cô…
Nhưng rồi những người bạn đã không rời bỏ Trúc Diễm. Hoàng Vỹ - nhà thiết kế thời trang luôn nặng lòng với sản phẩm thuần Việt, đã chủ động tiếp cận, mang đến cho Diễm sự trợ giúp cả về tinh thần lẫn chiến lược phát triển doanh nghiệp. Quan trọng hơn, anh còn cùng với Tuấn Mạnh và Hà Thanh (nhân viên maketing) làm cho Trúc Diễm hiểu giá trị của mỗi cá thể trong một cộng đồng doanh nghiệp, giá trị của mối ràng buộc tình cảm chân thành, và cuối cùng đã truyền cho cô cảm hứng về con đường phát triển doanh nghiệp dựa trên tình đồng loại, tình đồng bào. Đó là con đường để mỗi doanh nhân ý thức được bản gốc của chính mình, khơi dậy tình yêu đối với mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng họ. Cũng nhờ đó, cùng với sự trợ giúp của chính phủ trong chiến dịch vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, sự gượng dậy của doanh nghiệp cũng đồng thời dẫn đến sự mở lòng của Trúc Diễm, giúp cô đủ sức đón nhận một tình yêu cho chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét